Đồng thời, bản thân mỗi đảng viên phải nắm vững những nội dung cơ bản của Nghị quyết để có thể động viên, tác động những cán bộ, đảng viên khác, nhất là những người đang công tác trong ngành giáo dục, để cùng nhau tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết trong điều kiện cụ thể của mình. Với những đảng viên có môi trường công tác gần gũi hoặc có liên quan với ngành giáo dục, lại càng cần có ý thức trách nhiệm sâu sắc trong việc hỗ trợ ngành đổi mới, phát triển, từ những việc làm nhỏ nhất, chẳng hạn, tạo điều kiện để phát triển đảng cho giáo viên, tham gia nắm bắt dư luận của ngành và của nhân dân về ngành, góp phần xây dựng tổ chức hội khuyến học, tham gia thông tin, tuyên truyền về các mặt hoạt động tích cực của ngành…
Thứ hai, tích cực góp phần thực hiện trong vai trò là một công dân, phụ huynh, người học… Nghị quyết nêu rõ: “Người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục”, vì vậy bản thân mỗi đảng viên cần có nhận thức đúng đắn về điều này. Chẳng hạn, trong vai trò là công dân, mỗi đảng viên cần có những hành động tích cực nhằm giúp học sinh học tập tốt, giúp nhà trường dạy tốt, bằng những việc làm thiết thực như hiến kế, đóng góp những phương thức dạy và học phù hợp, tham gia hội khuyến học, đóng góp để hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học…
Trong vai trò là phụ huynh, các bậc cha mẹ là đảng viên cần tạo điều kiện cho con em được học tập thật tốt với sự chăm sóc đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần; có sự hợp tác chặt chẽ với nhà trường, với các giáo viên để hỗ trợ việc học của con em; tránh có những hoạt động hoặc “gửi gắm”, “chạy điểm”… cho trẻ hoặc thờ ơ, thiếu trách nhiệm, “giao khoán” việc dạy trẻ cho nhà trường…
Trong vai trò là người học, mỗi đảng viên phải luôn học tập thật nghiêm túc, dù là ở lớp do bản thân đăng ký tham gia hoặc lớp được cơ quan, tổ chức cử đi học. Quá trình học, mỗi đảng viên cần gắn lý thuyết và thực tiễn, đào sâu suy nghĩ để góp phần đúc kết thực tiễn, phổ biến kinh nghiệm, hiến kế giải quyết những vấn đề bất cập về giáo dục…
Thứ ba, nỗ lực tự học và học tập suốt đời. Nghị quyết 29-NQ/TW có 2 lần nhắc đến từ “tự học” và 3 lần nhắc đến cụm từ “học tập suốt đời”, trong đó có một giải pháp cụ thể liên quan đến nội dung này – “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” (giải pháp thứ 4). Với các cán bộ, đảng viên – những chủ thể chủ động tham gia, tác động vào sự đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục – việc “tự học” và “học tập suốt đời” nên là nhận thức thường trực và hành động thường xuyên. Trong đó, cần không ngừng học tập, trau dồi kiến thức về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, về kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học… Việc học phải chú trọng thực chất theo tinh thần thực học và thực nghiệp, không chạy theo bằng cấp, không vì thành tích.
Thứ tư, làm gương cho quần chúng trong cơ quan, đơn vị, nơi cư trú về việc học. Nghị quyết 29-NQ/TW có nêu: “Gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho con em mình”. Vì vậy, các đảng viên phải chú trọng giáo dục con cái để là những tấm gương sáng về con ngoan trò giỏi, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Đồng thời, mỗi đảng viên cần thể hiện tinh thần học tập của mình một cách tích cực, trong việc dự học các lớp, việc tự học và tạo điều kiện giúp đỡ cho người khác được học tập. Nhất là trong việc học tập lý luận chính trị, mỗi đảng viên khi được cử đi học phải học tập với tinh thần vừa là một vinh dự, vừa là một nhiệm vụ thực sự, vừa là một cơ hội để “nạp” kiến thức bổ ích cho bản thân
Với quan điểm đổi mới giáo dục nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của con người lao động mới như Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu, các đảng viên sau mỗi khóa học phải có sự nâng chất trong nhận thức và hành động thể hiện bằng việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc chuyên môn. Ở cơ quan, đảng viên cần tích cực đóng góp các quỹ học bổng, tham gia các hoạt động chăm lo cho con em của cán bộ, công chức trong cơ quan… Ở nơi cư trú, các đảng viên trong điều kiện cụ thể của mình có thể nhận đỡ đầu, chăm sóc các trường hợp học sinh nghèo hiếu học, ủng hộ quỹ khuyến học, tham gia và xây dựng mô hình gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học…
Bản thân các đảng viên là người lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị cần tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng và cán bộ cấp dưới của mình được học tập, kể cả tự học và học ở trường lớp, kể cả học chuyên môn nghiệp vụ và học lý luận chính trị. Việc cử cán bộ đi học phải xem là vì sự phát triển của cơ quan, đơn vị và của bản thân người được đi học, chứ không phải là một “ân huệ” của cấp trên dành cho cấp dưới, hay là một hình thức “đẩy” cán bộ không thuộc “cánh” mình đi xa…
Mỗi nghị quyết của Đảng đều có tác động đến mỗi đảng viên và bản thân các đảng viên đều có trách nhiệm quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, với nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, với tính chất lan tỏa, tác động đến toàn xã hội, vai trò và trách nhiệm của đảng viên lại càng cao hơn. Do đó, mỗi đảng viên cần thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích và tham gia thực hiện Nghị quyết này để công cuộc đổi mới giáo dục đạt kết quả tích cực.
Ý kiến bạn đọc