Bên cạnh kết quả đạt được, sinh hoạt chuyên đề còn một số hạn chế.
Một là, việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề ít trong các kỳ sinh hoạt; vẫn còn tình trạng có tổ chức đảng chưa tổ chức sinh hoạt chuyên đề.
Hai là, sinh hoạt chuyên đề ở một số chi bộ còn hình thức, chưa thiết thực, việc lựa chọn nội dung sinh hoạt chung chung, chưa phải là những nội dung cần thiết, bức xúc đưa ra bàn để tìm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Ba là, một số nội dung sinh hoạt chuyên đề chuẩn bị chưa đạt yêu cầu, đảng viên tham gia ý kiến ít sôi nổi, chưa đồng đều, chủ yếu là đóng góp về câu từ, mà chưa làm rõ vấn đề hạn chế, nguyên nhân và giải pháp thực hiện, nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra.
Bốn là, một số báo cáo chuyên đề chưa phân tích, đánh giá đúng, đầy đủ, cụ thể những hạn chế, nguyên nhân nên việc đề ra giải pháp chưa cụ thể, sơ sài, không khả thi.
Những hạn chế trên một phần là cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng đắn về sinh hoạt chuyên đề, chưa có sự đầu tư nội dung sinh hoạt chuyên đề, cũng như lựa chọn, phân công chi ủy viên, đảng viên có trình độ, năng lực và hiểu biết các vấn đề trong lĩnh vực lãnh đạo của chi bộ để chuẩn bị nội dung và các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Đồng thời, vai trò của bí thư chi bộ chưa được phát huy đúng mức, đặc biệt là trong việc điều hành sinh hoạt chuyên đề, nên đảng viên chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chuyên đề.
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề, xin nêu một vài giải pháp:
Thứ nhất, các cấp ủy thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nội dung, cách thức tiến hành sinh hoạt chuyên đề; đồng thời, theo dõi, kiểm tra việc sinh hoạt chuyên đề. Nên phân công cấp ủy viên thường xuyên dự, giám sát, hướng dẫn các chi bộ thực hiện sinh hoạt chuyên đề.
Thứ hai, quán triệt cho cấp ủy và đảng viên hiểu thống nhất về sinh hoạt chuyên đề, tạo ra sự đồng thuận và nhất trí cao trong lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề, phân công người có trình độ, năng lực chuẩn bị nội dung các chuyên đề thiết thực với yêu cầu, nhiệm vụ của chi bộ.
Thứ ba, phát huy vai trò điều hành sinh hoạt chuyên đề của bí thư chi bộ, bí thư phải nghiên cứu, nắm chắc các vấn đề để gợi mở và tạo điều kiện cho đảng viên đóng góp ý kiến; lắng nghe ý kiến của đảng viên, kể cả các ý kiến đối lập, tránh nóng vội, gây không khí căng thẳng; tổng hợp ngắn gọn và kết luận đúng, đầy đủ nội dung chi bộ đã thảo luận.
Thứ tư, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đảng viên trong việc tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chuyên đề, nhất là đánh giá những hạn chế, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục, trên tinh thần xây dựng, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật Đảng, xây dựng đoàn kết, thống nhất cao trong chi bộ.
Ý kiến bạn đọc