Giám sát xã hội là sự giám sát của ba lực lượng cơ bản: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xã hội, đồng thời có vai trò giám sát việc thực hiện sự lãnh đạo đó; các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp là những bộ máy công quyền thực hiện chức năng thay mặt nhân dân giám sát việc thực thi pháp luật của cá nhân, tổ chức, việc thực hiện quyền tự do, dân chủ của nhân dân; các cá nhân, tổ chức của xã hội giám sát lực lượng lãnh đạo chính trị, lực lượng thực hiện quyền lực của nhân dân, cán bộ, công chức, đảng viên và các thành viên của xã hội trong việc thực hiện Điều lệ Đảng, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước và quyền làm chủ, quyền con người của nhân dân.
Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định chức năng giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã được bổ sung từ Đại hội X: Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là những vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ. Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…
Văn kiện Đại hội XI chỉ rõ: “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”.
Ý kiến bạn đọc