Tahun Baru Imlek: Năm 2000, tết âm lịch Trung Quốc, hay còn được gọi là Imlek, chính thức được công nhận là ngày lễ quốc gia tại Indonesia. Trong những ngày này, múa lân trở thành hoạt động thường nhật tại nhiều thành phố, đặc biệt là các trung tâm mua sắm. Vào dịp Tết Imlek, các cuộc thi thể thao, biểu diễn thời trang liên tục diễn ra. Các khu chợ cung cấp thực phẩm, tiền cho người nghèo. Nhiều cửa hàng, trung tâm mua sắm tràn ngập màu đỏ và hình trang trí kiểu Trung Quốc. Những người gốc Trung Quốc tại Indonesia cũng hay có thói quen gửi thiếp mừng năm mới tặng bạn bè và người thân.
4. Tết Songkan của Lào
Tết của người Lào được gọi là Bpee Mai hoặc Songkan diễn ra từ 13 – 15/4 (dương lịch) hàng năm. Lễ hội kéo dài trong 3 ngày. Trong 3 ngày này người Lào được nghỉ, không làm việc và cũng không có các hoạt động buôn bán. Người dân té nước để cầu may, bình yên cho cả năm.
Vào ngày đầu tiên của Tết Lào, người dân quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Vào buổi chiều, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. Sau đó, người dân Lào rước tượng Phật ra một gian riêng trong 3 ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Họ còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa… Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều.
Cũng trong dịp này, cát được đưa đến sân chùa và trang trí trước khi dâng cho các nhà sư để tỏ lòng thành kính. Người Lào có thể làm ngay tại bãi biển hoặc dâng cát cho chùa. Các tháp cát này tượng trưng cho núi Phoukaokailat nơi 7 con gái của Kabinlaphom thờ đầu cha mình và được dâng cúng để cầu sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới.
Người Lào cũng thực hiện phóng sinh cho các loài động vật như rùa, cá, cua, chim, lươn và các con vật nhỏ khác bởi người ta tin rằng trong dịp Tết ngay cả động vật cũng cần được tự do. Vào các buổi chiều, sư trụ trì hướng dẫn các nhà sư, ni cô và dân làng đi hái hoa tươi đem về chùa cúng Phật.
Trong ngày Tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc.
5. Tết của Malaysia
Ngày đầu năm mới của Malaysia bắt đầu từ mùng 1/1 (theo lịch Hồi giáo). Vẫn là những ngôi nhà được quét dọn, trang hoàng sạch sẽ, phố xá được trang trí với nhiều mầu sắc rực rỡ. Chỉ có điều trước Tết khoảng 10 ngày, những người dân Malaysia theo đạo Hồi không mua sắm nhiều thức ngon vật lạ cho Tết mà bắt đầu nhịn ăn (chỉ ăn nhẹ trước khi mặt trời lặn), vì họ cho rằng đó là sự thể hiện lòng cảm thông với sự thống khổ của những người nghèo trên trái đất như lời thánh Ala răn dạy.
Khi gặp gỡ vào dịp năm mới, người Malaysia có tục lệ chạm nhẹ bàn tay mình vào lòng bàn tay người đối diện, sau đó thu tay lại rồi áp sát vào tim chừng vài giây. Người nào lớn tuổi hơn thì chào hỏi trước. Ở đất nước này, việc chạm tay vào tay người phụ nữ là hết sức bị cấm kỵ nên những người đàn ông phải chờ cho người phụ nữ chìa tay ra trước.
6. Tết của Myanmar
Năm mới của người dân Myanmar được tổ chức theo Phật lịch, tức vào giữa tháng 4 dương lịch. Vào dịp này, người Myanmar sẽ tổ chức lễ hội thi nhảy ếch và bưng nước chạy. Những người tham dự trò chơi phải nhảy theo tư thế của ếch hết đoạn đường quy định. Còn người thi bưng nước phải vừa chạy vừa bưng một bát nước đầy đến điểm quy định sao cho nước không bị sánh ra ngoài.
Lời chúc mừng năm mới của người Myanmar là "hắt nước vào người nhau". Ở các thành phố lớn như Rangoon, Mandalay người ta để các thùng nước dọc các con phố. Luôn có người đứng chầu chực bên những thùng nước, "rình" người đi đường rồi hắt nước vào họ thay cho lời mừng tuổi, lời chúc một năm mới an lành và hạnh phúc.
7. Tết của Philippines
Năm mới ở Philippines diễn ra từ ngày 30/12 (dương lịch) cũng chính là dịp lễ kỷ niệm ngày Philippines Jose Lisarơ – nhà thơ yêu nước, người anh hùng dân tộc khởi xướng phong trào độc lập, vì thế ngày nay người ta còn gọi là "ngày anh hùng”.
Tại Philippines, Tết dương lịch là ngày vui nhất, rộn rã và náo nhiệt nhất. Đó là dịp để những người trong gia đình suy ngẫm về những chuyện đã diễn ra trong một năm qua, và cùng hướng về tương lai với những hi vọng tươi sáng. Đối với người Philippines, ngày tết biểu tượng cho sự thay đổi, hi vọng, cơ hội sửa sai và làm những điều tốt đẹp.
Những ngày giáp tết, hầu hết các gia đình Philippines đều thu dọn nhà cửa, kiểm lại đồ đạc, dẹp bớt những thứ không sử dụng hoặc vô giá trị. Trước đêm giao thừa, các gia đình bắt tay vào chuẩn bị bàn tiệc “Media Noche” để cả gia đình cùng thưởng thức vào đúng nửa đêm. Bàn tiệc thường có trái cây xếp theo hình vòng tròn, biểu thị những đồng tiền xu, với ước vọng đem lại may mắn về tài chính cho gia đình. Món chính thường là pancit (mì sa tế với gà và rau), gà rán, bánh gạo ngọt hoặc bánh pudding, cùng các món ăn truyền thống khác, trên bàn tiệc luôn phải có một chai rượu sâm banh hoặc rượu vang đỏ. Trước khi ăn, mọi người trong gia đình đọc lời cầu nguyện cảm ơn một năm đã qua và đón mừng năm mới. Trong bữa tiệc, các bà nội trợ thường mặc váy có chấm tròn, cũng là biểu hiện của đồng tiền xu. Người lớn sẽ chất đầy tiền xu vào túi trẻ nhỏ. Làm như vậy, họ mong muốn cả năm sẽ không phải lo lắng về chuyện tiền bạc. Sau bữa ăn, tất cả mọi người cùng làm mọi cách để gây ra những tiếng động rộn rã nhất và đốt pháo với niềm tin tiếng động sẽ xua đi ma quỉ. Những đứa trẻ sẽ chơi trò nhảy lên nhảy xuống, vì người Philippines tin rằng làm như vậy sẽ giúp bọn trẻ cao hơn.
Trong ngày đầu năm, rất nhiều người Philippines có truyền thống ngồi liệt kê những thói quen xấu mà họ muốn từ bỏ, và đưa ra một bản danh sách những mục tiêu muốn hoàn thành trong năm mới...
8. Tết của Singapore
Đối với các lễ hội đầu xuân, do ảnh hưởng văn hoá phương Tây nên người Singgapore vui đón cả Tết Dương lịch, song cũng như nhiều quốc gia Đông Á khác, Singapore vẫn đặc biệt coi trọng Tết Nguyên đán Âm lịch cổ truyền theo phong tục người Hoa và đó là lễ hội quan trọng nhất trong cả năm.
Tết Dương lịch: Do ảnh hưởng nhiều văn hoá, văn minh phương Tây nên Singapore từ lâu đã có thói quen vui đón Tết Dương lịch. Không chỉ vậy, đảo quốc này còn vui đón cả Lễ Noel (Thiên chúa Giáng sinh, vào ngày 25/12 dương lịch hàng năm). Tuy nhiên, thời gian đón Tết Dương lịch của Singapore thường diễn ra không dài.
Tết Âm lịch: Người Singapore rất coi trọng việc vui đón Tết Nguyên đán Âm lịch cổ truyền. Tết Âm lịch ở Singapore đều tổ chức Lễ hội mùa xuân với nhiều hoạt động văn hoá khác nhau. Song, để chào đón năm mới, thường có 3 sự kiện nổi bật được nhiều người quan tâm nhất là: Lễ hội Hoa đăng mừng năm mới, Lễ hội Singapore River Hongbao, và Lễ diễu hành Chingay cùng nhiều hoạt động và chương trình khuyến mãi đặc sắc khác kéo dài suốt hơn một tháng, từ tháng 1 đến ngoài trung tuần tháng 2 dương lịch hàng năm. Ngoài ra, rất nhiều hoạt động theo Phật giáo sẽ được tổ chức tại Phật Nha Tự và Thian Hock Keng - ngôi đền 169 năm tuổi để thành tâm cầu nguyện năm mới vạn sự tốt lành.
9. Tết Songkran của Thái Lan
Tết Songkran thường được tổ chức từ ngày 13 – 15/4 (dương lịch) hàng năm, thường rơi vào thời điểm nóng nhất trong năm tại Thái Lan, vào cuối mùa khô. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp được tổ chức. Ngoài ra, người ta còn nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều màu sắc.
Hoạt động rõ nhất vào dịp Tết Songkran là lễ hội Té nước. Vào ngày này, mọi người đùa nghịch với nước, té nước vào người khác để được may mắn. Người Thái có quan niệm những ai được té nhiều nước thì người đó càng gặp nhiều may mắn.
Dịp Tết Songkran cũng là thời điểm để người Thái thăm viếng và chúc tụng người lớn tuổi, gồm các thành viên trong gia đình, bạn bè và hàng xóm. Ngoài tục lệ Té nước, người Thái còn đến chùa để cầu nguyện và dâng tặng thức ăn cho các nhà sư.
Một hoạt động phổ biến khác trong dịp này là lễ tắm tượng Phật trên chùa hoặc tượng Phật được thờ tự tại nhà. Người Thái cho rằng việc tắm tượng Phật sẽ mang lại may mắn và thịnh vượng trong năm mới./.
thế giới hân hoan không khí nguyện ước ấm no hạnh phúc thành viên hiệp hội quốc gia phong tục thú vị thể hiện văn hóa truyền thống
Số: 71-TB/ĐU
Ngày BH: (08/09/2020)Số: 56-BC/ĐU
Ngày BH: (07/09/2020)Số: 58-TB/ĐU
Ngày BH: (10/07/2020)Số: 01-QĐ/ĐU
Ngày BH: (01/07/2020)Số: 42-TB-ĐU
Ngày BH: (18/05/2020)
Ý kiến bạn đọc