ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP. HCM

Nhà máy ‘rộng cửa’ đào tạo sinh viên

  • 08/06/2021
  • 0
  • 78 Views

TTO – 11 giờ trưa, Nguyễn Bình An (22 tuổi) chăm chú quan sát thao tác của người trưởng ca với một trong những máy in hiện đại nhất của xưởng in cũng như trong ngành in.

Sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (phải) được đưa vào tổ vận hành một trong những máy in hiện đại nhất tại một xưởng in của Công ty CP In số 7 (TP.HCM) – Ảnh: VŨ THỦY

An là sinh viên năm cuối ngành công nghệ kỹ thuật in của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đang trong đợt thực tập tại xưởng in của Công ty CP In số 7 (TP.HCM). Đây là tuần thứ 2 của An trong kỳ thực tập sẽ kéo dài 3 tháng.

“Chúng ta đã quá quen với việc ngồi chờ nhà trường đào tạo ra người để tuyển vào mà không thấy trách nhiệm là doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình đào tạo, hỗ trợ nhà trường.

Ông NGUYỄN MINH TRUNG

Nhà máy là xưởng thực nghiệm

“Đây là một trong những thế hệ máy in hiện đại nhất hiện nay. Cái máy này khi ở trường tôi đã được học và tìm hiểu các thông số kỹ thuật của nó rồi. Nhưng cũng chỉ là lý thuyết, hình ảnh. Lúc vào xưởng mới lần đầu tiên được sờ vào model (mẫu) này”, Bình An chia sẻ.

Ở xưởng, An được phân vào một tổ máy, được hướng dẫn cặn kẽ để hình dung quá trình sản xuất cũng như làm quen với việc thực hiện các thao tác. Đến giờ sau gần 3 tháng thực tập, An gần như thành thạo các thao tác với máy.

Tuần 5 buổi, An thức dậy từ 5h45 sáng để từ ký túc xá gần trường chạy xuống nhà máy ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) vào ca lúc 7h30. Sau đó làm việc tới 4h30 chiều.

An cho biết đợt này khoa có khoảng 20 sinh viên đang thực tập tại đây và được phân về các tổ máy khác nhau. Điều đặc biệt là các bạn đều được trả lương tương đương mức dành cho lao động thời vụ và tiền ăn trưa.

Những chương trình làm việc tại doanh nghiệp dành cho những sinh viên như An đang ngày càng phổ biến và có chất lượng hơn khi doanh nghiệp chủ động, cởi mở và tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo sinh viên.

Đặc biệt với những doanh nghiệp sản xuất, nơi sinh viên các ngành kỹ thuật có thể được tiếp cận với các dây chuyền sản xuất, các loại máy móc hiện đại. Một số doanh nghiệp thậm chí hỗ trợ đi lại, ăn ở và trả lương cho sinh viên.

“17 ngành nghề trường đang đào tạo đều có chương trình Học kỳ doanh nghiệp. Sinh viên các ngành cơ khí thường thực tập tại các nhà máy ở nhiều tỉnh thành như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh.

Trước đây thời gian tổ chức học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên thường là học kỳ thứ 8, nhưng nhiều khoa đã đổi mới để các em đi thực tập sớm hơn vào học kỳ thứ 5, thứ 6. Thời gian các em tham gia cũng dài hơn, thay vì 2 tháng có thể là 4-6 tháng” – PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, cho biết.

Trong khi đó Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng liên kết, hợp tác ở nhiều cấp độ với hơn 1.000 doanh nghiệp.

“Trong số đó trường phối hợp chặt chẽ với khoảng 500 doanh nghiệp để sinh viên đến làm việc, thực tập. Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong việc liên kết với các cơ sở giáo dục để vừa đào tạo sinh viên, vừa săn tìm nguồn nhân lực cho doanh nghiệp” – anh Đặng Bá Ngoạn, phó trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết thêm.

“Doanh nghiệp không ngồi chờ nữa”

“Quay lại chục năm trước, chất xám do Việt Nam đào tạo ra công ty nước ngoài “vợt” hết. Tìm hiểu thì biết là người ta giỏi hơn mình. Ngay từ đầu vào năm nhất đại học họ đã có danh sách sinh viên, có một quá trình theo dõi, chọn lọc” – ông Nguyễn Minh Trung, giám đốc Công ty CP In số 7 (KCN Tân Tạo B), cho biết.

Ông nhìn nhận thực tế rằng doanh nghiệp Việt Nam đã quá thụ động trong tuyển dụng, đào tạo.

Những doanh nghiệp như Công ty In 7 đã bắt đầu tham gia chương trình đào tạo, trở thành “xưởng thực hành” của sinh viên các trường.

“Công nghệ thay đổi rất nhanh chóng, các trường không thể nào đủ kinh phí để trang bị các loại máy móc cho sinh viên. Chúng tôi đã chủ động đề xuất với các trường để họ đưa sinh viên vào xưởng thực tập. Chỗ khác thực tập phải xin xỏ. Riêng chúng tôi chỉ cần trường có thư giới thiệu, phụ huynh liên hệ là sẵn sàng nhận thực tập và nhận không giới hạn”, ông Trung chia sẻ.

Bên cạnh đó, mối liên hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường có thể bổ trợ cho nhau. “Chúng tôi có thể góp ý chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo của nhà trường để sát với thực tế. Đồng thời các bạn sinh viên với nền tảng đào tạo căn bản và khả năng học hỏi các kiến thức mới cũng có thể đóng góp nhiều ý tưởng để cải thiện quy trình sản xuất”, ông nói.

Ông Ko Chung Chih, phó tổng giám đốc Vedan Vietnam – một trong những doanh nghiệp sản xuất cũng đang thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường, cho biết hằng năm công ty đều tiếp nhận nhiều sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng đến thực tập.

“Nhà máy có bố trí xe đưa đón từ TP.HCM đến nhà máy mỗi ngày. Mỗi sinh viên đến thực tập, công ty đều phân công cán bộ có chuyên môn hướng dẫn sát sao và tiến hành kiểm tra, đánh giá sau mỗi kỳ thực tập. Ngoài ra, công ty có một phần hỗ trợ và cung cấp đi lại, ăn ở miễn phí cho các bạn sinh viên”, ông cho biết thêm.

Nhà máy không ràng buộc sinh viên thực tập

Hỏi về cơ hội ở lại doanh nghiệp làm việc sau kỳ thực tập kéo dài 3 tháng, Bình An chia sẻ hiện tại anh muốn được tiếp tục thực tập thêm ở những nhà máy khác để tìm hiểu các công nghệ khác, sau đó mới quyết định.

“Nhiều nhà máy có quy định sinh viên phải cam kết ký hợp đồng làm việc tối thiểu hai năm mới tiếp nhận thực tập. Nhưng hiện nay cũng khá nhiều nhà máy rộng cửa cho sinh viên đến thực tập và được chọn lựa sau đó.

Sau khi tốt nghiệp, tôi mong muốn tiếp tục học hỏi thêm, mở mang hơn nữa trong lĩnh vực của mình. Vậy nên việc có những nhà máy cởi mở là một cơ hội rất tốt cho người trẻ tiếp tục học hỏi, trau dồi thêm kiến thức từ thực tế sản xuất”, An cho biết.

VŨ THỦY
Theo: tuoitre.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *