ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP. HCM

Bài cuối: Đừng để những cuộc sinh hoạt chi bộ vô bổ!

  • 22/04/2021
  • 0
  • 123 Views

Loạt bài “Để cuộc sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa thiết thực”

Với ý nghĩa cụ thể là “luôn hoạt động để cho chi bộ tồn tại”, đồng thời “tổ chức các hoạt động sao cho chi bộ luôn sống động”, các cuộc sinh hoạt chi bộ phải luôn có ý nghĩa thiết thực và tránh những cuộc sinh hoạt vô bổ, nhàm chán.

Trên thực tế, có một số chi bộ tổ chức sinh hoạt nhưng không có nhiều nội dung cần thiết cho đảng viên, không kiểm điểm, đánh giá được công việc tháng qua một cách khách quan, trung thực, không phê bình đến nơi đến chốn các sai sót (cả việc lẫn người) để mọi người rút kinh nghiệm chung, không khích lệ những cá nhân có nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, không định ra được những công việc cần giải quyết trong tháng tới, không phát huy được trí tuệ tập thể của đảng viên, không xây dựng được bầu không khí vui vẻ, thân thiện, đoàn kết giữa các đảng viên với nhau… Có nơi, đảng viên ngại, thậm chí “sợ”, đến kỳ sinh hoạt, vì không có ích lợi gì, trái lại luôn căng thẳng, mệt mỏi. Từ đó, có người tìm cách thoái thác, như đi công tác, xin nghỉ phép; nếu phải dự họp thì cố gắng không phát biểu, không bày tỏ chính kiến vì e ngại bị kiểm soát tư tưởng, sợ bị chụp mũ… Chính bí thư, cấp ủy cũng không xem trọng và không thấy lợi ích từ cuộc sinh hoạt nên mượn cớ công việc chuyên môn nhiều nên để “trôi” các kỳ sinh hoạt, dẫn đến không đủ ít nhất 12 kỳ sinh hoạt trong năm. Hiện tượng này tuy không phổ biến nhưng ít nhiều làm có người ngộ nhận về vai trò, ý nghĩa, ích lợi của sinh hoạt chi bộ đối với tổ chức đảng, với đơn vị và với từng đảng viên.

Để cuộc sinh hoạt thực sự có ý nghĩa thiết thực cần sự tham gia có trách nhiệm của bí thư, cấp ủy và tất cả các đảng viên. Mỗi người trong vai trò, vị trí của mình cần xác định sinh hoạt chi bộ là để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ đối với các hoạt động của cơ quan, đơn vị, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp cũng như sự trưởng thành của từng đảng viên.

Với bí thư, cấp ủy (gọi chung là bí thư), đây là những người đóng vai trò chủ yếu trong việc tạo nên một cuộc sinh hoạt có chất lượng, hiệu quả và đem lại ý nghĩa thiết thực. Bí thư phải nắm chắc quy định về việc sinh hoạt chi bộ, như quy trình, nội dung, việc chuẩn bị…, đồng thời phải định ra được trong cuộc sinh hoạt sẽ bàn về những vấn đề gì, đánh giá nội dung gì, phân công công việc cho những ai, tạo không khí thảo luận ra sao…

Do vậy, bí thư không được chủ quan trong việc tổ chức một cuộc sinh hoạt chi bộ. Trước hết vẫn là thảo luận trong cấp ủy để đi đến thống nhất một số nội dung quan trọng. Đây không chỉ là yêu cầu bắt buộc (được quy định trong Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”) mà còn là một giải pháp hợp lý để tạo sự đồng thuận trong cấp ủy (nếu không có cấp ủy thì nên trong ban lãnh đạo của cơ quan, đơn vị) và phát huy trí tuệ của số đông. Ngoài ra, bí thư còn có thể nắm bắt được tình hình thực tế của chi bộ, của đơn vị, nhất là với các vấn đề mới phát sinh hay về tâm trạng của đảng viên, người lao động trong đơn vị…

Tiếp đó, bí thư cần rà soát tình hình thực tế và đánh giá liều lượng, mức độ của tình hình đó để có những giải pháp cần thiết. Chẳng hạn, vừa xảy ra mâu thuẫn giữa một số đảng viên với nhau hay có sự phản đối, bất mãn của một số người lao động do cách hành xử của một vài đảng viên phụ trách trực tiếp các quần chúng đó…, đều có thể trở thành vấn đề đáng lo ngại, nên đồng chí bí thư phải sớm có giải pháp xử lý, mà thực hiện trong cuộc sinh hoạt chi bộ là rất cần thiết, tránh để sự việc trở nên trầm trọng hơn. Hoặc ngược lại, có đảng viên vừa được biểu dương về thành tích dân vận khéo tại địa phương nơi cư trú, có đảng viên vừa hoàn thành xuất sắc chương trình sau đại học…, thì bí thư cũng nên thông tin rộng rãi trong kỳ họp và có hình thức biểu dương xứng đáng để khích lệ chung.

Sự nắm chắc quy định và tình hình của chi bộ sẽ giúp đồng chí bí thư tự tin, chủ động thực hiện vai trò chủ trì cuộc sinh hoạt, từ đó có thể góp phần quan trọng vào việc tạo ra bầu không khí thoải mái, cởi mở.

Lẽ dĩ nhiên, các đảng viên cũng phải phát huy đầy đủ trách nhiệm của mình trong cuộc họp. Đảng viên không nên đến với cuộc sinh hoạt trong tâm thế thụ động, theo kiểu “nghe nhiều hơn nói”, “phân công thì chấp hành”, “việc của người khác thì không bận tâm”…, bởi “đông tay thì vỗ nên kêu” và mỗi đảng viên phải là một mắt xích trong chuỗi của toàn chi bộ, mỗi mắt xích xâu lại với nhau mới thành chi bộ được.

Chi bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tân Phú phổ biến tài liệu tuyên truyền trong một cuộc sinh hoạt hằng tháng. (Ảnh minh họa)Chi bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tân Phú phổ biến tài liệu tuyên truyền trong một cuộc sinh hoạt hằng tháng. (Ảnh minh họa)

Do đó, đảng viên nên chú ý lắng nghe và mạnh dạn chia sẻ, nghiêm chỉnh chấp hành và chủ động đề xuất, độc lập tư duy và tôn trọng khác biệt, bảo vệ chính kiến của bản thân và dung hòa quan điểm của đồng chí, nghiêm khắc với khuyết điểm của mình và khoan dung với sai sót của người khác… Tức là, mỗi đảng viên biết đặt mình vào trong cuộc sinh hoạt, sự nỗ lực và tích cực của bản thân góp phần vào chất lượng và sự thành công của cuộc sinh hoạt; mở rộng hơn sự chủ động, và phấn đấu của bản thân góp phần vào kết quả hoạt động và thành tựu của chi bộ, của đơn vị.

Chẳng hạn, trong cuộc sinh hoạt, đồng chí A. được chi bộ phân công thực hiện đề dẫn sinh hoạt chuyên đề trong tháng tới; trong tâm thế chấp hành nhưng nếu đồng chí thấy mình cần có sự hỗ trợ của đảng viên khác thì cứ mạnh dạn đề xuất để bản đề dẫn đạt chất lượng tốt nhất. Trái lại, nếu đồng chí A. miễn cưỡng nhận lời nhưng trong lòng không thoải mái, cảm thấy lúng túng và biết chắc chất lượng công việc không tốt nhưng không bày tỏ ý kiến gì thì kết cục cả bản thân đồng chí lẫn chi bộ đều gặp nhiều bất lợi, cuộc sinh hoạt chuyên đề kỳ sau vì thế cũng kém chất lượng và không đạt hiệu quả như mong muốn. Như vậy, vì sự thiếu chủ động của một đảng viên mà tính thiết thực, bổ ích và không khí cuộc sinh hoạt có thể bị ảnh hưởng.

Hay trường hợp khác, nếu đảng viên B. cho rằng sự phê bình, góp ý của người khác có dụng ý xấu mà luôn tỏ ra phản đối các ý kiến đóng góp, luôn bao biện khuyết điểm của mình thì chính thái độ thiếu cầu thị đó sẽ không có lợi cho bản thân. Bởi khi không tiếp nhận phê bình của người khác thì đồng nghĩa mình không nhìn ra, không thừa nhận khuyết điểm của bản thân và vì thế không sửa chữa, khắc phục được, như người đã mắc bệnh mà không chấp nhận chẩn đoán của bác sĩ và cũng không chịu uống thuốc. Không chỉ vậy, từ nhận thức đó, khi góp ý người khác cũng dễ sa vào trạng thái “trả đũa”, có định kiến, thiếu khách quan và trung thực, có thể chẳng những không giúp ích được cho đồng chí của mình mà còn làm không khí cuộc sinh hoạt căng thẳng, sự đoàn kết trong chi bộ có thể không nguyên vẹn…

Do đó, trong cuộc sinh hoạt chi bộ, nếu bí thư, cấp ủy và mỗi đảng viên có ý thức và hành động cụ thể để làm cho cuộc sinh hoạt chi bộ có chất lượng, mang lại những kết quả tích cực cho chi bộ và đơn vị thì chắc chắn sẽ mang lại những điều bổ ích, thiết thực cả về mặt kiến thức, nhận thức, tình cảm cùng các kỹ năng chuyên môn cho bản thân. Đó là trách nhiệm mà cũng là lợi ích của đảng viên khi tham gia sinh hoạt chi bộ!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *