ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP. HCM

Vận dụng lời dạy của Lenin trong cán bộ, đảng viên hiện nay

  • 23/04/2021
  • 0
  • 150 Views

Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản và công nhân thế giới người Nga Vladimir Ilyich Lenin (1870 – 1924) đã để lại cho nhân loại những định hướng, chỉ dẫn có giá trị lớn lao trên rất nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, về vấn đề học tập, Người đã nêu một quan điểm rất tiến bộ mang tính chỉ nam cho tất cả chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên: “Học, học nữa, học mãi”. Câu nói này được nhiều người cho là đã truyền cảm hứng sâu sắc đến nhân loại, không chỉ trong thời đại của Lenin hay trong kỷ nguyên số hiện nay mà còn cả các thế hệ tương lai.

Học tập nói riêng và giáo dục nói chung có vai trò vô cùng to lớn đối với mỗi cá nhân, đối với xã hội và toàn thể nhân loại. Nhà tranh đấu về nhân quyền nổi tiếng, sau này trở thành Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (1918 – 2013), từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Bill Gates, người sáng lập Tập đoàn phần mềm khổng lồ Microsoft, thì cho rằng: “Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, học trong cuộc sống là công việc cả đời”. Còn Bác Hồ kính yêu của chúng ta trong “Thư gửi cho học sinh”, ngày 5-9-1945, đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”… Như vậy, từng cá nhân, từng xã hội, từng đất nước và cả thế giới này sẽ không thể phát triển nếu không có học tập, không có giáo dục.

Đối với mỗi con người, việc học tập là vô cùng cần thiết và quan trọng. Học để lĩnh hội kiến thức và phục vụ cho công việc, cho cuộc sống; học để trưởng thành và để vươn tới những tầm cao mới của xã hội; học để trở thành người có tri thức, người có văn hóa, người có văn minh, người có đạo đức; học để theo kịp sự tiến bộ của xã hội, của các xu hướng, trào lưu của nhân loại. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, việc học tập càng có ý nghĩa hơn. Học để đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, phụng sự giai cấp; học để không ngừng tiến bộ, không bị lạc hậu so với quần chúng nhân dân, so với yêu cầu công tác; học để góp phần làm cho Đảng ngày càng đạo đức và văn minh, đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo đất nước và xã hội; học để làm gương cho quần chúng, để thể hiện rõ tính chất tiên phong của đảng viên…

Lời dạy của Lenin có 3 cấp độ. “Học” khi con người bắt đầu tìm hiểu, lĩnh hội và tiếp thu kiến thức; “học nữa” là thúc giục ta tiếp tục học tập, tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để lĩnh hội kiến thức sâu hơn, nhiều hơn; “học mãi” là không bao giờ dừng lại việc học, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, để không chỉ tiếp tục lĩnh hội kiến thức mà còn tạo thành một thói quen, một nền nếp, để chống sự bằng lòng, sự thỏa mãn, thậm chí là lười nhác của bản thân. Như vậy, chúng ta cần phải luôn học hỏi và học tập dù đang làm công việc gì, đang giữ chức vụ nào trong xã hội, dù đang trong hoàn cảnh ra sao, đồng thời cũng không phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện tuổi tác, nghề nghiệp, sức khỏe, mức sống…

Trong giai đoạn hiện nay, đối với cán bộ, đảng viên, học tập quan trọng cả học ở trường lớp, học trong cuộc sống, học ở đồng chí đồng nghiệp, học ở nhân dân và tự học. Bác Hồ đã dạy, học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời, không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Người nhấn mạnh, để toàn dân học tập, cho xã hội học tập là phải biến việc học tập thành một phong trào thi đua yêu nước… Chính tấm gương học tập của Người cũng cần được tất cả cán bộ, đảng viên noi theo một cách nghiêm túc.

Bác Hồ đọc sách bên bờ suối ở chiến khu Việt Bắc. (Ảnh tư liệu)

Lời dạy của Lenin thời gian qua được Đảng ta vận dụng và chuyển hóa thành chủ trương học tập suốt đời. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX đã nêu: “Tạo điều kiện cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, suốt đời”, nghĩa là phải xây dựng một xã hội học tập để thực hiện giáo dục suốt đời. Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nêu: “Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời”; “Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người”, “Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học”; “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”…

Từ nhiều năm nay, vào tuần đầu tháng 10 hàng năm, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” trên phạm vi cả nước, góp phần thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập nhằm “học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí và năng lực công dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội”.

Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thông qua Đề án số 2 về “giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 – 2030” thuộc Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa thành phố. Bên cạnh nội dung về giáo dục thông minh, Đề án này còn có ý nghĩa động viên, khơi gợi sự tham gia tự học và học tập suốt đời trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao kiến thức, trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, thông tin thực tiễn về tình hình đời sống, kinh tế, xã hội…, góp phần xây dựng, phát triển thành phố và đất nước. Đồng thời, Đề án cũng xây dựng các cơ chế, cách thức để tạo điều kiện, tạo động lực để mọi người học tập suốt đời có hiệu quả, góp phần hình thành nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới.

Trúc Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *