Loạt bài “Để cuộc sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa thiết thực”
Sự bổ ích, có ý nghĩa thiết thực trong sinh hoạt chi bộ là đòi hỏi rất quan trọng nhưng không vì thế mà xem nhẹ yếu tố không khí, trạng thái của buổi sinh hoạt. Bởi cuộc sinh hoạt còn cần tạo ra sự phấn khởi, gần gũi và gắn kết giữa các đảng viên với nhau, trong bầu không khí lạc quan, chan hòa, thân ái. Kể cả các cuộc sinh hoạt có tính chất kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thì điều cần đọng lại cũng không phải là sự căng thẳng, lòng oán trách nhau, đặc biệt là thù hằn nhau.
Vì yêu cầu đó, bên cạnh việc bảo đảm các yêu cầu, quy định và các nguyên tắc của một cuộc sinh hoạt chi bộ thì việc tạo ra bầu không khí thoải mái, cởi mở là rất cần thiết. Điều này liên quan đến cách thức tổ chức, điều hành cuộc sinh hoạt của người chủ trì, của cấp ủy và thái độ ứng xử với nhau giữa các đảng viên.
Chính bí thư, cấp ủy là những người có vai trò quyết định trong việc xây dựng bầu không khí. Trước hết là thái độ. Người chủ trì bắt đầu bằng việc phê bình, chỉ trích, đe nẹt thì ngay lúc đó đã tạo nên sự căng thẳng. Thí dụ, trong phần kiểm điểm công việc trong tháng, có một vài đảng viên chưa hoàn thành nhiệm vụ hoặc có thái độ chưa đúng mực, người chủ trì có thể nhắc nhở chung và lưu ý mọi người rút kinh nghiệm, sau đó nếu cần thiết thì phê bình riêng, thì không khí cuộc họp có thể không có sự nặng nề. Hoặc người chủ trì thể hiện sự đốp chát, bắt bẻ từ ngữ với người khác, hoặc bộc lộ sự nghiêm nghị quá mức cần thiết, thì cũng có thể hình thành trạng thái căng thẳng cho cuộc họp. Thí dụ: đang lưu ý một vấn đề mang tính chung chung, bỗng đồng chí chủ trì nói lớn tiếng, người nghe có cảm giác đang rất tức giận hoặc như đang quát nạt, thì tự dưng mọi người cảm thấy sự việc trở nên nghiêm trọng và rơi vào tâm lý bất an. Bất kể ý đồ của người chủ trì là cố ý “dọa” hay chỉ là sự vô ý do chưa chọn phương pháp phù hợp thì điều này cũng cần rút kinh nghiệm.
Thái độ đương nhiên có liên quan trực tiếp đến phương pháp điều hành. Sự điều hành đòi hỏi sự nhạy bén, tinh tế, lịch sự và cần có “tâm lý”. Trong đó, một số cách thể hiện có tính quy tắc nên thực hiện thì cần lưu ý: trước khi phê bình thì nên có biểu dương, phê phán gắn với khích lệ, trước khi nhắc nhở riêng thì nên lưu ý chung, chú trọng việc hơn chú trọng người, hạn chế nhắc lại việc cũ nếu không có liên quan gì hoặc không cần thiết, chú ý lắng nghe hơn là chỉ có giáo huấn, tạo cơ hội cho mọi người phát biểu chứ không phải “độc thoại”… Do đó, sự linh hoạt, uyển chuyển và tránh sự gay gắt khi xử lý các vấn đề của người chủ trì có ý nghĩa rất tích cực đến thái độ của các đảng viên khác.
Thí dụ: ngay bắt đầu việc kiểm điểm công việc trong tháng bằng cách phê bình những đảng viên chưa thực hiện tốt nhiệm vụ, thì lẽ ra nên biểu dương các cố gắng của các đảng viên khác hoặc ở khía cạnh tích cực của chính các đảng viên chưa hoàn thành đó; sau đó lắng nghe phản hồi của chi bộ, để ghi nhận xem có yếu tố khách quan hoặc yếu tố chủ quan nhưng bất khả kháng nào không; tiếp đó cần xử lý các vấn đề phát sinh sau khi nắm bắt đầy đủ các nguyên nhân của sự chậm trễ đó; sau nữa mới phê bình nếu thực sự thấy có sai sót, hạn chế của đảng viên được phân công mà điều đó cần thiết phải được nêu công khai để các đảng viên khác rút kinh nghiệm…
Hoặc trường hợp khác: khi nhận xét về một đảng viên, người chủ trì thường nhắc đến khuyết điểm của đồng chí đó đã từng mắc phải trước đây, dù ở trạng thái có vẻ rất tích cực. Chẳng hạn, đồng chí chủ trì có ý đánh giá cao sự nỗ lực của đảng viên nhưng lại “thòng” thêm câu “dù vậy, đồng chí cần thận trọng, tránh chủ quan, khinh suất như lần trước”, trong khi vế này không thật cần thiết phải nêu. Như vậy, lời biểu dương đó gần như không còn ý nghĩa nữa mà mọi người có cảm giác rằng đồng chí chủ trì đã có thành kiến, đã có “ấn tượng” về khuyết điểm cũ của đồng chí đó. Và vì vậy, không khí cuộc họp trở nên chùng xuống, mọi người dễ có tâm trạng lo lắng không biết liệu mình có bị nhắc đến hay không.
Một điểm đáng chú ý nữa ở vấn đề phương pháp là tránh tạo ra áp lực quá lớn cho đảng viên. Chẳng hạn, người chủ trì luôn muốn các đảng viên phải nói ra chính kiến của mình về bất kỳ vấn đề gì, dù trong nhiều trường hợp không thật cần thiết. Ngay cả ở tình huống đơn giản như chỉ đích danh một đảng viên phải phát biểu dù đồng chí đó cho biết “không có ý kiến” thì cũng khiến đồng chí đó lúng túng và bị áp lực. Hay những trường hợp phải thể hiện quan điểm rõ ràng về việc gì đó, về người nào đó mà có thể gây bất lợi về quan hệ giữa các đảng viên lại phải càng lưu ý hơn. Bởi phương pháp này dễ gây ngộ nhận là người chủ trì muốn mượn tập thể để áp đảo tinh thần của người nào đó, dùng số đông để tạo áp lực buộc người đó phải nhận khuyết điểm, sai sót.
Dĩ nhiên, thái độ, cách ứng xử của các đảng viên trong cuộc sinh hoạt cũng tác động không nhỏ đến việc tạo ra bầu không khí. Nếu các đảng viên đoàn kết, thông cảm, chia sẻ nhau hoặc ứng xử một cách văn minh, tiến bộ dù có bất đồng, mâu thuẫn thì cũng ít tạo ra sự căng thẳng. Trái lại, nếu các đảng viên chia rẽ, bất hòa, cạnh tranh nhau, có nhiều vấn đề cá nhân với nhau mà không giữ được sự bình tĩnh, tôn trọng nhau thì dễ dẫn đến xung đột, cãi vã hoặc ấm ức nhau trong cuộc họp, từ đó hình thành sự mất đoàn kết, thậm chí kết bè kết cánh trong đơn vị.
Trong những trường hợp này, các đảng viên cần ý thức về trách nhiệm, sự nêu gương của mình trong tổ chức và thực hiện tốt các nguyên tắc trong sinh hoạt đảng, như giữ gìn sự đoàn kết thống nhất, xây dựng tình đồng chí yêu thương lẫn nhau… Tức là, mỗi người cần biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, cần giảm cái tôi của mình xuống, biết tìm các đúng đắn và hợp lý trong quan điểm, ý kiến của người khác, cũng như biết đặt mình vào vị trí của người khác để nghĩ. Và dĩ nhiên, điều rất cần thiết là phải biết kiềm chế: “Dao đâm có lúc lành thương tích/ Lời nói đâm nhau hận suốt đời”.
Ứng xử của các đảng viên có liên quan đến vai trò điều hành của người chủ trì cuộc sinh hoạt. Khi các đảng viên có tranh luận hoặc bất đồng nhau, người chủ trì phải thể hiện rõ sự phán xét hoặc định hướng cuộc phán xét cho chi bộ một cách khách quan, công tâm, không thiên vị. Người chủ trì cần có những cách phù hợp để làm dịu cuộc tranh cãi, hướng mọi người đến vấn đề trọng tâm hoặc “tháo ngòi nổ” bằng những thủ thuật khéo léo (như bông đùa một cách ý nhị, cho giải lao, dừng cuộc họp để trao đổi riêng…).
Một cuộc sinh hoạt chi bộ cởi mở, thân ái, chan hòa sẽ giúp mọi người chia sẻ, thông cảm, gắn kết với nhau hơn, đương nhiên sẽ thúc đẩy sự hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Khi đó, mọi người thấy có lịch họp chi bộ thì có tâm lý vui vẻ, hào hứng và chờ đợi. Trái lại, một cuộc sinh hoạt mà có một số người “thủ thế” nhau, đấu tố nhau, bí thư, cấp ủy thường xuyên trong trạng thái “rầy rà”, phê phán người khác thì hẳn không ai mong đến kỳ họp bởi nó không những không có ích mà còn trở nên bất lợi, sinh ra nhiều năng lượng tiêu cực, không tốt cho việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và sự đoàn kết trong chi bộ.
Suy cho cùng, không khí cuộc sinh hoạt có liên quan trực tiếp đến thái độ, phương pháp điều hành của người chủ trì nhưng cũng trên cơ sở thực hiện tốt các nguyên tắc của tổ chức và sinh hoạt đảng. Trên hết vẫn là nguyên tắc tập trung dân chủ, tức là tập trung phải gắn với dân chủ, trên cơ sở dân chủ, dân chủ nhưng phải tập trung và nhằm đi đến tập trung. Do đó, dù về hình thức, chất lượng, hiệu quả của sinh hoạt là rất quan trọng nhưng xét về bản chất, nếu cuộc sinh hoạt thường xuyên diễn ra trong trạng thái căng thẳng, gay gắt thì thật sự khó có chất lượng, hiệu quả, bởi khi đó các đảng viên ít còn tâm trạng để thể hiện trí tuệ, trách nhiệm của mình cho tập thể mà phải lo “thủ thế” với nhau thôi!